Tin tức
Doanh nghiệp bất động sản phía Nam ứng phó với dịch COVID-19 như thế nào?
Tính từ thời điểm đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã có 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát. Có thể thấy, do ảnh hưởng của đại dịch, hầu hết các ngành nghề kinh doanh đều lâm vào tình cảnh “điêu đứng”, trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cũng chịu nhiều tác động.
Tiêu thụ sản phẩm gặp khó
Riêng tại khu vực phía Nam, đợt dịch lần này bùng phát trở lại đúng thời điểm các doanh nghiệp bất động đang tung ra thị trường các sản phẩm mới. Dù đã chủ động trong việc lên kịch bản ứng phó với dịch COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cho biết, bên cạnh những khó khăn đang gặp phải từ việc tăng giá của ngành thép, nghẽn pháp lý… thì lĩnh vực bất động sản đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19.
Theo ông Quyền, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền đầu tư. Thị trường còn nhiều khó khăn, khiến không ít khách hàng và nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong các quyết định mua bán và đầu tư.
"Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dòng tiền đầu tư nước ngoài đã vắng bóng hơn hẳn so với những năm trước, nền kinh tế Việt Nam cũng theo đó bị ảnh hưởng mạnh khiến dòng tiền của nhà đầu tư trong nước cũng “yếu” hơn hẳn" - Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group
“Bên cạnh đó, các phân khúc bất động sản cũng phần nào ảnh hưởng nghiêm trọng. Không riêng gì bất động sản nghỉ dưỡng, cho thuê…, bất động sản công nghiệp và bất động sản phụ trợ như đô thị (những phân khúc dự báo tăng trưởng mạnh trong những tháng vừa qua) cũng phải chậm lại một nhịp do COVID-19 trở lại lần thứ 4 và đang có xu hướng lây lan mạnh trong cộng đồng, phải thực hiện cách ly cả khu công nghiệp khiến cho việc sản xuất kinh doanh vừa mới khởi sắc lại gặp khó khăn lớn cũng ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực”, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group nhận định.
Đối với đơn vị bất động sản, lãnh đạo Thắng Lợi Group cho rằng, COVID-19 trở lại lần thứ 4 chính là “cú đánh bồi”, khiến doanh nghiệp gặp phải vô vàn khó khăn. Với việc giãn cách xã hội tại TP.HCM và tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng đã ảnh hưởng đến nhiều quyết định đầu tư mới, mở rộng dự án. Tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án cũng chậm hơn trước đây do ảnh hưởng của việc hạn chế đi lại.
“Song song đó, sau 3 lần “ngấm” dịch và những biến động của thị trường, yêu cầu cao hơn của khách mua về sản phẩm, thiết kế, điều kiện bàn giao, tiện ích dự án… cũng là những khó khăn chúng tôi gặp phải. Việc tiếp cận khách hàng, hoàn thành tiến độ xây dựng đúng với cam kết… cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp”, ông Quyền nói.
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Trần Anh Long An (Trần Anh Group) cũng là một doanh nghiệp lớn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nhưng những ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến công ty này gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Hà Đức Thiện, Phó Tổng giám đốc Trần Anh Group cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh việc tiêu thụ sản phẩm của công ty đã giảm đáng kể, nguyên nhân chính vẫn là hạn chế di chuyển dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, khách hàng khó xuống tiền vì không được “mục sở thị” sản phẩm.
“Bất động sản vẫn là tài sản có giá trị gia tăng bền vững, vì người có thể gia tăng nhưng quỹ đất thì không. Tuy vậy, đối với doanh nghiệp kinh doanh thì việc xoay dòng vốn là điều quan trọng nhất, sản phẩm chưa được tiêu thụ đồng nghĩa vốn và lợi nhuận bị đóng băng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh doanh”, ông Thiện chia sẻ.
Thông tin thêm về hoạt động của công ty trong thời điểm thực hiện giản để cách phòng chống dịch, Phó Tổng giám đốc Trần Anh Group cho hay, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vai trò của công nghệ có lẽ được phát huy mạnh mẽ nhất, do đó, công ty đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng đưa công nghệ vào trong hoạt động kinh doanh, nhằm vận hành việc giao dịch thuận lợi tránh ách tắc và đảm bảo an toàn cho khách hàng lẫn nhân viên của công ty. Thông qua các app bán hàng, đồng thời việc tư vấn sản phẩm cũng được thực hiện online.
Chủ động ứng phó với dịch bệnh
Sau nhiều đợt dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp bất động sản cũng đã chủ động hơn trong việc ứng phó với đại dịch, nhiều phương án, kịch bản đã được các doanh nghiệp này áp dụng để duy trì hoạt động của công ty.
Điển hình như Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land (Đại Phúc Land), rút kinh nghiệm từ sau những đợt dịch bùng phát, công ty đã chủ động các phương án để sống chung với dịch như: Làm việc online (trực tuyến); phân phối, giới thiệu các sản phẩm qua kênh truyền của công ty (Website, Facebook,…); tư vấn cho khách hàng qua điện thoại,…
Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, đây là đợt dịch thứ 4 các doanh nghiệp bất động sản trải qua, không riêng gì Đại Phúc Land mà các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cũng đã xác định sẽ sống chung với dịch bệnh và chuẩn bị cho mình các kịch bản ứng phó với đại dịch ngay từ thời điểm đầu năm.
“Trong năm nay, các doanh nghiệp đã lên kịch bản ít nhất từ 1-2 đợt dịch để chấp nhận sống chung. Ở đợt 1, dịch bệnh có bùng phát nhưng cơ bản được kiểm soát tốt, tuy nhiên, ở đợt 2 này tình hình có lẽ diễn biến theo chiều hướng căng thẳng hơn, do đó, ít nhất là trong quý III/2021, bất động sản sẽ tiếp tục ảnh hưởng, thị trường sẽ bị chậm lại. Các doanh nghiệp đã bật chế độ làm việc tại nhà, giảm lượng lao động trực tiếp tại công ty, để thực hiện theo các chỉ thị về phòng, chống dịch”, bà Hương cho hay.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cũng cho rằng, năm nay cũng sẽ là năm tiếp tục khó khăn so với dự kiến kịch bản của doanh nghiệp bất động sản, nếu trường hợp trong quý III đến cuối quý IV dịch bệnh được kiểm soát ổn định trở lại thì các doanh nghiệp buộc phải tăng tốc trở lại để bù vào thời gian bị trì trệ này, do đó, rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan ban ngành về các cơ chế, chính sách để thị trường có thể khôi phục lại tốt hơn.
“Trong đợt giãn cách năm 2020, nhà nước đã có những gói chính sách hỗ trợ cho người lao động cũng như các doanh nghiệp, tuy nhiên, trong năm nay, đặc biệt là thời điểm hiện tại tình hình dịch bệnh khá căng thẳng, lực lượng chức năng đang tập trung hỗ trợ để để dập dịch, nhưng các giải pháp, cơ chế về lĩnh vực kinh tế thì vẫn chưa thấy, do đó, nhà nước cũng cần chú trọng về vấn đề này để các doanh nghiệp yên tâm hơn”, Tổng giám đốc Đại Phúc Land nói.
Tương tự, với kinh nghiệm của 3 đợt dịch trước, Thắng Lợi Group cũng đã chuẩn bị cho mình những phương án để ứng phó với dịch bệnh. Chia sẻ về vấn đề này, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group Nguyễn Thanh Quyền cho biết, cán bộ nhân viên và lãnh đạo công ty luôn ở trong tâm thế chống dịch bất cứ lúc nào và luôn ý thức bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp, khách hàng.
“Khi dịch trở lại lần thứ 4, tinh thần ấy còn được đẩy lên cao mạnh mẽ hơn nữa với việc luôn tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5K trong tòa nhà và khách hàng giao dịch nhằm đảm bảo an toàn”, ông Quyền nói.
Bên cạnh đó, để tiếp tục duy trì hoạt động của công ty, lãnh đạo Thắng Lợi Group cho biết thêm, ngay từ khi có thông tin chính thức giãn cách tại TP.HCM, mọi hoạt động của Tập đoàn đều chuyển sang trạng thái làm việc online, cán bộ, nhân viên bắt đầu làm việc từ xa. Các hồ sơ văn bản đều được trình ký online nhanh chóng để công việc được diễn ra trôi chảy, không bị đình trệ.
“Việc tiếp cận khách hàng cũng được chúng tôi trực tuyến hóa để đảm bảo an toàn cho khách hàng lẫn cán bộ, nhân viên. Hàng ngày, Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên sẽ có cuộc họp nhỏ trực tuyến để động viên, kích tinh thần cho mọi người để cùng nhau đẩy lùi COVID-19”, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group chia sẻ.
Cũng trong tâm thế phòng chống dịch và đảm bảo duy trì hoạt động, Trần Anh Group đã chủ động trong việc thực hiện việc giãn cách an toàn, tuân thủ khẩu hiệu 5K trong mọi công tác, đồng thời ủng hộ kinh phí để chung tay đẩy lùi COVID-19.
Về phía kinh doanh, Trần Anh Group cũng đưa ra những chính sách nhằm tạo cơ hội để khách hàng sở hữu được sản phẩm mình mong muốn như: Chiết khấu; mua nhà tặng xe; liên kết ngân hàng hỗ trợ vay vốn và giãn cách tiến độ thanh toán,…
Theo Nhà Đầu Tư